Dân tộc H'mông là một trong những cộng đồng dân tộc lớn tại Việt Nam với hơn 1 triệu người sinh sống chủ yếu tại vùng núi phía Bắc. Văn hóa dân tộc H’mông có nhiều nét tương đồng và khác biệt với dân tộc Kinh. Cụ thể là tết vùng cao đầy màu sắc của người H'mông để chúc mừng năm mới
1. Phong tục tết của người H’mông
Những phong tục lễ nghi không thể thiếu trong ngày tết của người H’mông
Bước vào đông, khi ngô gác bếp đã khô, lúa đã đươc trữ vào bồ, thì người Mông cũng nghỉ ngơi và ăn mừng chào tạm biệt năm cũ và đón chờ một năm mới mùa màng bội thu. Tết của người H’mông thường sớm hơn và cũng dài hơn tết của người Kinh. Diễn ra trong vòng một tháng bắt đầu từ 30/11 âm lịch, tết cổ truyền của người H'mông là chuỗi các sự kiện, lễ hội vui chơi nối tiếp nhau.
Trước khi tết đến, người Mông sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, sắm quần áo đẹp cho cả nhà. Cả năm đã vất vả, nên tết đến ai trong nhà cũng sẽ có áo mới. Giống quan niệm của người Kinh, mặc quần áo mới vào ngày đầu năm sẽ mang lại may mắn, tượng trưng cho mong muốn một năm mới đủ đầy.
Nghi lễ chính thức của tết vùng cao sẽ bắt đầu từ ngày 25 tháng chạp theo lịch của người Mông, vào ngày này, người Mông mang quà đi “trả ơn” cho thầy cúng, thầy thuốc, thầy dạy khèn,...những ai đã giúp đỡ họ trong một năm vừa qua. Ngày 30 tết, người người nhà nhà dân tộc Mông treo niêu, không ăn uống trong vòng 1 ngày. Họ tin rằng, nếu ăn vào ngày này sẽ xảy ra hỏa hoạn. Sau khi cúng giao thừa và gia tiên vào nửa đêm, người Mông sẽ ngủ một giấc thỏa thích. Trong niềm tin của họ, nếu bị đánh thức vào ngày mùng 1 thì đó là điềm xấu, sâu bọ sẽ phá hoại mùa màng năm sau.
Ngày mùng 2 là ngày tết đặc biệt với những cô dâu mới. Vào mùng 2 tết trong 3 năm cưới đầu tiên, cô dâu sẽ được bố mẹ chồng đưa về nhà mẹ đẻ để trả ơn công sinh thành và nuôi dưỡng. Đây là nghi lễ “lạy tết” với mong muốn vợ chồng thuận lợi, sinh con thuận lợi, cũng là một phong tục tết không thể thiếu.
Mâm cơm ngày tết của người H’mông
Người Mông có tục làm bánh dày vào ngày 30 tết. Bánh dày người Mông được làm bằng gạo nếp nương, được giã bằng tay, nên bánh rất dẻo và mềm. Theo quan niệm của người Mông, bánh dày càng to, càng tròn thì cuộc sống của họ sẽ càng viên mãn.
Những ngày tết, mâm cơm của người Mông cũng không thể thiếu những món ngon như thịt lợn, thịt trâu gác bếp, mèn mén, cải xanh, ớt xanh nướng làm muối chấm.
Vì ngày tết của Mông kéo dài hơn một tháng, nên mỗi nhà nuôi một con lợn cho những ngày mừng năm mới.
2. Lễ hội đặc sắc của dịp tết của người H’mông
Trong những ngày tết, người Mông có nhiều truyền thống đặc sắc khác nhau. Cùng điểm danh hai tục tập của tết vùng cao nơi đây.
Tục bắt vợ
Vào ngày mùng 2 âm lịch, là ngày hẹn hò của các cặp đôi trai gái. Vào dịp này, chàng trai, cô gái được tự do gặp mặt hẹn hò, trao nhau thề ước ở lễ hội. Nếu được con trai sẽ đưa con gái về nhà, và gọi là tục bắt vợ. Tuy nhiên, do nhiều biến tướng, và dân trí của đồng bào ngày càng cao, tục bắt vợ đã ít đi và được thực hiện dưới sự đồng thuận của cả nam và nữ.
Lễ hội đầu năm
Lễ hội đầu năm là phần không thể thiếu với bất cứ tết vùng cao nào. Mỗi năm, một gia đình trong bản sẽ được giao làm chủ lễ cho cả làng. Theo tục lệ, vào ngày 26 hàng năm, người Mông phải chặt một cây mai (giống cây tre) thừa ra 9 đốt, và dựng trước nhà để người trong làng biết đó sẽ là nơi tổ chức lễ hội.
Ngoài những nghi lễ, thì lễ hội có nhiều trò chơi dân gian khác nhau như thi đua ngựa, múa khèn, hát đối, thi dệt vải lanh,...
Những ngày tết cũng là dịp để người Mông được trổ tài và khoe sắc. Xúng xính trong những bộ quần áo mới đầy màu sắc, cô bé, cậu bé người mông rực rỡ như những bông hoa núi rừng xinh đẹp.
3. Đi đâu để tham gia tết cổ truyền của người H'mông?
Hà Giang
Là mảnh đầu địa đầu tổ quốc, Hà Giang là vùng đất chắc chắn phải đặt chân ít nhất một lần. Hà Giang cũng là nơi sinh sống của 22 dân tộc khác nhau mà H'mông là một trong những dân tộc chiếm phần lớn.
Hầu hết khi đã đến du lịch Hà Giang, ai cũng say đắm bởi màu sắc dân tộc H'mông. Từ những cô bé cậu bé mang gùi hoa trên dốc Thẩm Mã đến phiên chợ ồn ã, náo nhiệt tại Đồng Văn, Mèo Vạc, dấu ấn của dân tộc Mông trên từng cung đường khám phá Hà Giang. Từ làng lanh Lùng Tám đến ngôi làng cổ Du Già nằm lặng lẽ theo thời gian.
Nếu bạn muốn tìm đến không gian văn hóa dân tộc qua tết của người H’mông, Hà Giang chính là thời điểm lý tưởng. Năm 2020, tết của người H’mông sẽ bắt đầu từ 12/1 và kéo dài suốt 1 tháng tiếp theo.
Hang Kia Pà Cò - Hòa Bình
Còn mới mẻ với nhiều người, Hang Kia Pà Cò là một thung lũng nhỏ nằm yên bình tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Vì chưa in dấu chân người du lịch, Hang Kia Pà Có còn nguyên những nét văn hóa của dân tộc Mông. Đến đây nếu người ta say mê vì chốn tiên bông, nơi mây phủ quanh năm, thêm nữa là hoa khoe theo mùa, không khi trong lành. Văn hóa người mông cũng thể hiện rõ ràng qua những hoạt động như vẽ sáp ong, làm bánh dày cùng người bản làng.
Mộc Châu
Khác với Hang Kia Pà Cò, Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La là điểm đến yêu thích từ lâu của rất nhiều người. Tại đây, lễ tết của người H’mông cũng rất nhộn nhịp và thú vị. Trong tiết đông, khi hoa mận nở trắng xóa, màu sắc rực rỡ của người Mông nổi bật hơn. Xen lẫn mà tiếng kèn, tiếng sáo vang vọng núi rừng, như muốn níu chân người ở lại thêm.